Tôm chân trắng ngày càng được ưa chuộng ở Đức

Năm 2015, Đức là thị trường đứng thứ 2 trong khối EU về NK tôm của Việt Nam. 9 tháng đầu năm 2015, XK tôm Việt Nam sang thị trường Đức đạt 84,4 triệu USD, giảm 16,5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Quý I/2015, Đức dẫn đầu khối EU về NK tôm của Việt Nam với 28,4 triệu USD, tăng 4,2% so với cùng kỳ năm 2014. Sang quý II và quý III, Đức tụt xuống vị trí thứ 2, nhường vị trí dẫn đầu cho thị trường Anh do kinh tế khó khăn, đồng EUR giảm tác động tới nhu cầu NK tôm. XK tôm Việt Nam sang Đức trong quý III đạt 29,8 triệu USD, giảm 22,8% so với cùng kỳ năm 2014.

tôm thẻ chân trắng

Đức là thị trường “nhạy cảm” với giá vì vậy khi EU rơi vào suy thoái kinh tế thì Đức là nước giảm NK tôm rõ rệt nhất trong khối liên minh này mặc dù kinh tế Đức vững vàng hơn nhiều nước khác như Tây Ban Nha hay Hy Lạp. Kinh tế EU gặp khó khăn, đồng EUR giảm sâu so với USD là nguyên nhân chính khiến nhu cầu NK tôm của Đức giảm.

Người tiêu dùng Đức chịu tác động mạnh bởi giá bán. Đặc tính này cũng phần nào lý giải cho việc tôm chân trắng chiếm tỷ trọng “lấn át” so với tôm sú trong cơ cấu các sản phẩm tôm Việt Nam XK sang Đức.

Năm 2011, tôm chân trắng chiếm 35,7% tổng giá trị XK tôm Việt Nam sang Đức với 40,4 triệu USD. Trong khi đó, tôm sú chiếm tới 56,3% với 63,7 triệu USD. Tuy nhiên, sang năm 2012, tỷ trọng tôm chân trắng đã tăng tới 46,6% trong khi tỷ trọng tôm sú giảm còn 45,5%. Năm 2013, tôm chân trắng chiếm tới 53,4% giá trị XK tôm Việt Nam sang thị trường này trong khi đó tôm sú chiếm gần 40%.

Năm 2014, tôm chân trắng chiếm tới 58% tổng giá trị XK tôm Việt Nam sang Đức trong khi tôm sú chiếm 34,7%. 9 tháng đầu năm 2015, tỷ trọng tôm chân trắng XK sang Đức đạt 73,5% trong khi tỷ trọng tôm sú là 19,9%. Xu hướng này cho thấy tôm chân trắng của Việt Nam ngày càng được ưa chuộng trên thị trường Đức.

Từ 2011-2014, Đức luôn dẫn đầu khối EU về NK tôm Việt Nam. Năm 2014, XK tôm sang thị trường này chiếm tới 20,5% tổng XK tôm Việt Nam sang EU.

Theo dữ liệu từ Trung tâm thương mại quốc tế (ITC), năm 2014, Việt Nam là nhà cung cấp tôm số 1 cho thị trường Đức, chiếm 18,4% tổng NK tôm của Đức. Tôm nguyên liệu đông lạnh là sản phẩm chính NK vào Đức, chiếm 56,4% tổng NK tôm của Đức trong 6 tháng đầu năm nay. Trong đó, Việt Nam dẫn đầu các nước về cung cấp mặt hàng này cho Đức. Sáu tháng đầu năm 2015, giá trị NK tôm đông lạnh nguyên liệu từ Việt Nam vào Đức đạt 27,6 triệu USD, chiếm 19,6% tổng NK mặt hàng này của Đức từ các nước; gấp 1,7 lần giá trị NK từ Ấn Độ, gấp 10 lần giá trị NK từ Indonesia và gấp 12,4 lần giá trị NK từ Thái Lan.

Sáu tháng đầu năm 2015, tổng NK tôm vào Đức đạt 252,8 triệu USD, giảm 18,2%. Tuy nhiên, NK tôm từ Việt Nam vào thị trường này vẫn tăng 12,5% trong khi NK từ Ấn Độ giảm 8,1%; NK từ Thái Lan giảm 64,7%; từ Indonesia giảm 19,8%.

Năm 2014, trung bình 1 người Đức tiêu thụ 14 kg thủy sản, tăng 0,2 kg so với năm 2013. Dự kiến mức ​​tiêu thụ sẽ ổn định trong năm 2015. Năm 2015, các công ty thủy sản Đức có kế hoạch quảng bá để đẩy mạnh tiêu thụ thủy sản, đảm bảo thủy sản nằm trong danh mục chi tiêu hàng ngày của người dân.

Ngày 10/9 Viện Kinh tế Thế giới của Đức (IfW) công bố báo cáo cho thấy, kinh tế Đức vẫn đang duy trì đà tăng trưởng khả quan với mức dự báo tăng trưởng 1,8% trong năm nay, tăng 2,1% trong năm 2016 và đạt mức cao nhất vào năm 2017 với mức 2,3%. Khi kinh tế hồi phục, đồng EUR tăng giá sẽ kéo theo nhu cầu NK thủy sản trong đó có tôm vào Đức. Đây cũng là tín hiệu đáng mừng cho các DN XK tôm Việt Nam vào thị trường này trong thời gian tới.